Nhắc đến AWS, ta thường đã quen mặt với các chiến thần team Infra với bộ sưu tập đồ sộ các chứng chỉ các loại. Nhưng không chỉ có vậy, tại Kaopiz còn có những “non-DevOps” cũng đã và đang chinh phục thành công những chứng chỉ AWS quý giá. Nếu bạn đang tò mò họ là ai và họ đã làm điều đó như thế nào thì đừng bỏ lỡ bài viết này nhé, tất- tần- tật các bí kíp từ các “chứng thủ” sẽ được Kari-đi-học bật mí ngay đây!!! Khởi động: Bắt đầu bằng những mục tiêu rõ ràng Là một trong số ít các Kaopizer chinh phục thành công chứng chỉ AWS – Professional, chàng trai trẻ đầy tài năng của SBU3 - DuongTT cũng đã có những mục tiêu rất rõ ràng khi quyết tâm ôn luyện chứng chỉ: “Động lực chính khiến mình học AWS là vì càng học càng thấy tò mò và thú vị. Nhìn vào thực tế thì đến thời điểm hiện tại, AWS nói riêng và cloud, infrastructure nói chung đã phần nào giúp mình nhìn có được góc nhìn bức tranh toàn cảnh về design system. Từ đó mình có thể hình dung được bối cảnh giúp team dự án một vài vấn đề nhỏ như suggest config phù hợp, tìm ra nguyên nhân lỗi khi sử dụng service nào đó gặp hiện tượng bất thường,... Còn sau đó, việc quyết định thi chứng chỉ chủ yếu nằm ở việc mình muốn có một đích đến cụ thể để nhìn lại xem mình đang ở đâu trên quãng đường học tập. Với một Kaopizer khác cũng đã mang thành công AWS – Professional về nhà, KSO - ThaiTL cũng có cho mình những động lực để bắt đầu học tập: “Mình nghĩ AWS – Professional là một chứng chỉ khó, được công nhận bởi cộng đồng lập trình viên trong nước và quốc tế nên mình cũng muốn chinh phục nó để đem lại thêm nhiều sự tự tin cho bản thân. Thi các chứng chỉ cũng có rất nhiều những lợi ích cho mình. Ngoài việc được mở mang và hệ thống lại nhiều kiến thức có thể áp dụng vào thực tế làm việc với khách hàng trong các trường hợp cụ thể thì mình cũng sẽ nhận được 1 khoản trợ cấp đều đặn hàng tháng từ công ty nữa. Vừa có tiếng, vừa có kiến thức mà lại vừa có tiền nữa :v” Vượt chướng ngại vật: Không có việc gì khó khi đã có phương pháp Vì chưa có nhiều cơ hội trao đổi với các anh em khác về việc học tập và thi chứng chỉ nên DuongTT vẫn chủ yếu tự học và tham khảo thêm những kinh nghiệm trong các group trao đổi về AWS để đúc rút ra kinh nghiệm cho bản thân mình. “Về tips ôn luyện để làm quen thì mình có tham khảo và trải nghiệm thì thấy các khoá luyện đề online trên Udemy khá sát với format của đề. Các chứng chỉ của mình đều áp dụng phương pháp là: Làm đề -> Đọc và tìm hiểu lời giải, đáp án đúng tại sao lại đúng, đáp áp sai tại sao lại sai -> Hiểu -> Tiếp tục làm đề ... Mình sẽ lặp đi lặp lại phần này tầm 5-7 lần đến khi bản thân cảm thấy đã hiểu hoàn toàn. Khi đã ôn tập kĩ lưỡng thì cứ tự tin mà đi thi thôi ^^” Về phương pháp và cách ôn tập đã sử dụng trong quá trình học tập và thi chứng chỉ, SBU1 - TienTV đã bật mí bí-kíp-gia-truyền-mà-anh-là-đời-đầu: “Mình đã sử dụng các tài liệu ôn tập chính thức từ AWS và các khóa học trực tuyến uy tín trên Udemy và các khoá học trên trang đào tạo của công ty. Mình cũng thường xuyên làm các bài kiểm tra thử (practice tests) để làm quen với cấu trúc và phong cách của câu hỏi. Một tip quan trọng là tập trung vào việc hiểu rõ các tình huống thực tế mà các dịch vụ AWS được áp dụng, từ đó giúp mình có thể áp dụng kiến thức vào bài thi một cách linh hoạt và chính xác. Ngoài ra thì mình đã tham khảo kinh nghiệm từ những đồng nghiệp đã thi qua các chứng chỉ của AWS. Những kinh nghiệm này rất quý báu, chẳng hạn như họ đã giới thiệu cho mình các nguồn tài liệu hữu ích, các khóa học online chất lượng và các mẹo làm bài thi hiệu quả.” “Học trò” của “thầy Tiến” đã thành công mang những chứng chỉ AWS - Associate về nhà và cũng đã có những bí kíp riêng bỏ túi cho riêng mình: SBU1 - TungPN: “Nếu mà thấy thi thử trên 85% thì chắc đỗ rồi, các bạn hãy tự tin lên đi thi, không khó như trong tưởng tượng đâu. Mình là 1 bằng chứng này :v” Tăng tốc: Tập trung để thành công về đích Người đã “clear-map” 3 chứng chỉ AWS - Associate và được một số anh em thi AWS khác gọi với các tên trìu mến “thầy Tiến” - SBU1 - TienTV chia sẻ về quá trình này: “Mình thấy các chứng chỉ mình đã thi thành công có thể tóm gọn trong từ khóa: Tập trung: Quá trình ôn luyện đòi hỏi sự tập trung cao độ để hiểu rõ các khái niệm. Kỷ luật: Duy trì một lịch trình ôn luyện nghiêm ngặt và tuân thủ nó để đảm bảo việc học tập có hiệu quả. Kiên nhẫn: Việc học và ôn thi không thể vội vàng, phải kiên nhẫn nghiên cứu tài liệu và làm quen với các dạng câu hỏi khác nhau.” Mỗi người cũng sẽ có những cách thức và phương pháp khác nhau để làm sao phù hợp nhất với bản thân và hoàn thành mục tiêu. Với “chứng thủ” ThaiTL có lẽ quá trình này có vẻ “chill” hơn chút so với mọi người: “Mình cảm thấy để làm một điều gì đó thành công thì đương nhiên mình sẽ cần phải tập trung và dành thời gian cho nó, điều này sẽ quyết định chủ yếu đến kết quả của việc ôn luyện. Nhưng ngoài ra thì giữ sức khỏe và tinh thần cũng rất quan trọng, vì vậy mọi người nên sắp xếp ngủ đủ giấc để giữ thể trạng tốt nhằm thu nạp kiến thức trong thời gian dài. Cuối cùng thì mình khuyên anh em nên chú trọng vào quá trình thực hiện, làm hết sức và cũng không cần quá quan tâm đến kết quả, nhưng đây cũng không phải ý khuyên mọi người bỏ cuộc đâu nhé =)))” Về đích: Gặt hái thành quả và kinh nghiệm được đúc kết “Thấy mọi người vào chúc mừng làm mình cũng rất vui, hãnh diện và tự hào công sức của mình bỏ ra để học tập và ôn luyện, à xong mình cũng đi khoe với gia đình và bạn bè nữa vì mấy khi được công ty vinh danh mà ^^” - Nhân vật quen mặt trên các post thông báo chứng chỉ chia sẻ. Quá trình “săn” chứng chỉ có rất nhiều câu chuyện khác nhau nhưng nếu được dùng 3 từ để mô tả ngắn gọn về chứng chỉ này của DuongTT sẽ là “Thú vị - Quyết tâm - Hữu ích”. “Mình cảm thấy thú vị khi hiểu được những kiến thức mới và nó cũng giúp mình có góc nhìn rộng hơn về system, một điều mình nghĩ là khá hữu ích cho công việc đang làm. Thật ra thì sẽ có khá nhiều cám dỗ trong thời gian rảnh thì sự quyết tâm sẽ giúp bản thân cố gắng và hoàn thành được hết mục tiêu đã đề ra, tránh xao nhãng trong lúc học. Nhưng sau tất cả thì mình cảm thấy thời gian rảnh trôi qua với mình đều hữu ích, mỗi ngày mình đều tích luỹ thêm được một chút kiến thức mới trong quãng đường học và thi chứng chỉ.Mình thấy khá rõ ràng các điểm lợi khi học và thi chứng chỉ: thêm kiến thức mang tính phổ biến, thực tế cao, đẹp profile, thúc đẩy bản thân phát triển mỗi ngày, hưởng phúc lợi từ chính sách của công ty, thêm cơ hội phát triển công việc,... Vì vậy bạn đừng ngần ngại đặt ra những mục tiêu thi chứng chỉ cho mình nhé!" Các “chứng thủ” cũng có những lời khuyên đúc kết dành cho những người đang trong quá trình đang và sẽ tham gia “săn” các chứng chỉ chuyên môn AWS: SBU1 - NghiaTT: “Mình cũng đã có tham khảo được khá nhiều những kinh nghiệm từ những người thi trước (chủ yếu là từ anh TienTV) như học ở đâu, học tập trung vào cái gì , một số tip-and-trick trong việc học, chuẩn bị và khi làm bài thi. Về bí kíp cá nhân, mình nghĩ mọi người nên có thói quen note lại các kiến thức và các mẹo mình biết để sau này dễ đọc lại và tìm kiếm. Việc ghi chép thì cũng không cần quá chuẩn mực theo một khuôn mẫu nào cả mà chỉ cần là cho mình dễ đọc và nhớ là được. Ngoài ra ở phần luyện đề thì nên làm đề của 1 vài tác giả khác nhau để làm quen nhiều dạng câu hỏi và cũng biết thêm nhiều các chi tiết nhỏ mà khi học dễ bỏ qua. Mình cũng sẽ chuẩn bị và luyện thi theo 3 tiêu chí: Quyết trong quyết tâm, Chăm trong Chăm chỉ và Thích trong Thích nghi để từ đó tìm ra những phương pháp phù hợp nhất với bản thân mình.” SBU1 - TienTV: “Lời khuyên của mình là hãy bắt đầu bằng việc nắm vững các kiến thức cơ bản, sau đó dần dần nâng cao độ khó và phức tạp của tài liệu ôn tập. Hãy lên kế hoạch học tập cụ thể và tuân thủ nó một cách nghiêm túc. Đừng quên thực hành qua các bài kiểm tra thử để làm quen với định dạng câu hỏi. Cuối cùng, hãy luôn cập nhật kiến thức và theo dõi các thay đổi mới nhất từ AWS để đảm bảo rằng kiến thức của bạn luôn phù hợp và cập nhật.” “Mọi con đường đều dẫn đến thành Rome” Hy vọng thông qua bài phỏng vấn này, bạn đã tổng kết thêm được một vài thông tin hữu ích cho quá trình thi chứng chỉ AWS để bổ sung vào kho tàng “con đường đến thành Rome". Chúc bạn sớm đạt mục tiêu và gặt hái thêm nhiều chứng chỉ cũng như các kiến thức, kỹ năng bổ ích khác để nâng cấp công việc của mình! Nếu bạn muốn gia nhập hội “chứng thủ Kaopiz” thì đừng ngần ngại ping ngay đến Bộ phận Đào tạo để biết thêm chi tiết nhé.