Trong năm vừa rồi, bạn có đặt mục tiêu "phát triển bản thân" hay học tập thêm 1 kỹ năng gì mới cho chính bản thân mình? Nếu câu trả lời là có, và bạn vẫn chưa đặt thêm được dấu tick hoàn thành cho "task" này, thì bạn có thể cân nhắc đến việc tự học thông qua các nền tảng học trực tuyến đại chúng - MOOC (Massive open online course). Ví dụ như Udemy, Coursera, Udacity, EdX là những platform tiêu biểu của MOOC đó. Nhưng bạn có biết: theo 1 số thống kê, tỷ lệ tốt nghiệp (tỷ lệ học viên hoàn thành các yêu cầu và đạt chứng chỉ cuối khóa) của MOOC rất thấp, hầu như chỉ dưới 10%? Bên cạnh những ưu điểm rất dễ nhận ra khi học trên các nền tảng MOOC như: học bất cứ lúc nào bạn muốn, ở bất cứ đâu và học linh hoạt theo tốc độ của mình; thì việc tự học cũng gặp rất nhiều cản trở để người học có thể hoàn thành khóa học như mong muốn. Một trong những khó khăn đầu tiên đó là chọn nền tảng và khóa học phù hợp với nhu cầu cá nhân trong vô vàn các lựa chọn đang có! Bài viết sau đây sẽ cung cấp một số gợi ý để giúp bạn gỡ rối ngay trong bước đầu tiên này nhé! Trước khi bắt đầu xắn tay đăng ký và tham gia bất cứ 1 khóa học nào, việc xác định mục tiêu học tập có thể nói là quan trọng nhất. Đây sẽ là điều "neo" bạn lại, để bạn có thể vượt qua các cám dỗ và xao nhãng, tiến đến đích hoàn thành cuối cùng. #1. Chọn platform tùy theo mục tiêu học tập của mình. Bạn học vì muốn có thêm chứng chỉ/chứng nhận năng lực - để thể hiện trong CV? Bạn học vì muốn có thêm bằng cấp từ các trường đại học danh tiếng? Bạn học vì muốn trau dồi các kỹ năng thực tiễn và ứng dụng ngay lập tức? Dựa theo mục tiêu của bạn - hãy chọn platform có những ưu điểm tương ứng nhé. Ví dụ: Coursera, EdX là 2 platform nổi tiếng với độ uy tín bởi những khóa học từ các trường đại học danh tiếng trên thế giới. Coursera được thành lập vào năm 2012 bởi hai giáo sư của Stanford. Với hơn 100 triệu người dùng, có thể nói đây là nền tảng MOOC thuộc top lớn nhất thế giới. Coursera phối hợp với hơn 150 tổ chức đối tác, trong đó có các trường đại học ưu tú như Yale, Stanford và Princeton, cung cấp các khóa học chất lượng cao. EdX: Công ty con của Harvard hướng đến xã hội - được thành lập vào năm 2012 bởi các trường đại học ưu tú MIT và Harvard. Hơn 100 trường đại học đối tác nổi tiếng đang cung cấp các khóa học cho khoảng 50 triệu người học edX, trong số đó có các trường đại học Oxford, Zurich và London. EdX hoạt động tương tự như Coursera. Có các khóa học miễn phí và trả phí. Ngoài ra, người học có thể sử dụng tín chỉ (chứng nhận hoàn thành) của một số khóa học trên các nền tảng này để lấy bằng thạc sĩ tại một trong những trường đại học đối tác hợp tác (MicroMaster). Hoặc ví dụ điều bạn cần lại là những kiến thức, kỹ năng được học nhanh, gọn, dùng để nâng cao chất lượng công việc ngay lập tức, thì có thể Udemy sẽ là nền tảng phù hợp hơn. Với tính đa dạng cực kỳ cao từ các nhà cung cấp nội dung (cùng theo đó là chất lượng khóa học khá "hên xui") từ nhiều lĩnh vực khác nhau (công nghệ, lập trình, đến kinh doanh, thiết kế, và kỹ năng mềm), thì Udemy có thể cung cấp cho bạn 1 khóa học "ngay lập tức" theo đúng nhu cầu dù tổng quan hay chi tiết. Hãy xem kỹ các review và lượng vote để tìm ra một khóa học chất lượng nhé! . Còn trong trường hợp bạn muốn nhận được các chứng chỉ uy tín về công nghệ - được công nhận bởi nhiều tổ chức trên thế giới, thì Udacity sẽ là nền tảng bạn nên tìm hiểu. Udacity - Educating the 21st Century là một trang MOOC được sáng lập bởi ba nhà chế tạo robot. Tại Udacity, người dùng có thể tham gia các khóa học miễn phí và có phí. Các khóa học có phí hiện có liên kết với San Jose State University để được xem như là tín chỉ đại học. Các khóa học trên Udacity chủ yếu về khoa học máy tính, IT, trí tuệ nhân tạo, toán học, khởi nghiệp và các chủ đề khác. Udacity hiện nay cung cấp các khóa học Nanodegree- chứng chỉ công nghiệp để các bạn thuận tiện tìm kiếm các công viêc trong lĩnh vực công nghệ. Udacity cấp giấy chứng nhận (certificate) để các học viên có thể trở thành Web Developers, Data Analysts, Mobile Developers thông qua các kĩ năng thực tế học trên Udacity. Các khóa học trực tuyến trong lĩnh vực công nghệ tại Udacity do Google, Facebook, mongoDB, AT&T và viện công nghệ Georgia tạo ra. Các giảng viên tại Udacity nắm rõ các học viên sẽ cần những gì để đáp ứng thị trường lao động. Đó chính là giá trị cốt lõi của chương trình Nanodegree. Tùy theo trình độ của học viên, bạn sẽ dành trung bình 10h/tuần để theo học chương trình Nanodegree và kéo dài từ 6-12 tháng. Ngay tại Việt Nam, bạn cũng có thể tìm kiếm được một số platform cung cấp những chương trình học lấy bằng tương tự, ví dụ như Funix - là hệ sinh thái học trực tuyến Công nghệ thông tin, được thành lập vào Tháng 10/2015 bởi Tập đoàn FPT và sau đó gia nhập Galaxy Education vào Tháng 9/2022. Funix có cung cấp cả các chương trình học lấy bằng các trường đại học như Đại học FPT,... cho rất nhiều đối tượng khác nhau, chỉ thông qua con đường học trực tuyến. #2. Chọn khóa học và platform dựa theo phong cách học tập! Việc này nghe có thể lạ lẫm với bạn, nếu trước giờ những trải nghiệm học tập online của bạn đang chỉ dừng lại ở việc xem các video record phần giới thiệu của giảng viên và cùng lắm là các bài trắc nghiệm hay bài luận thỉnh thoảng đan xen. Nhưng thực rế là, từ rất lâu rồi, rất nhiều platform đã ra đời với các tính năng hỗ trợ người học theo hình thức "học qua thực hành" ngay từ đầu. Đặc biệt là trong việc học code thì lại càng dễ dàng hơn. Nếu phong cách học tập của bạn thiên về thực hành, bạn có thể tìm đến Codecademyhay FreeCodeCamp. Tại Codecademy, thay vì học qua video và lý thuyết thuần túy, người dùng sẽ viết code trực tiếp trong môi trường trình duyệt và nhận phản hồi tức thì. Trang web có cả phiên bản miễn phí và Pro nhưng thường bản miễn phí sẽ chỉ gồm những khóa học cơ bản dành cho người mới làm quen với lập trình. Các khóa học ở Codecademy khá đa dạng ngôn ngữ lập trình: bao gồm Python, JavaScript, Ruby, HTML/CSS, SQL, Java, C++, và nhiều ngôn ngữ lập trình khác. freeCodeCamp là một nền tảng học tập mã nguồn mở với rất nhiều khóa học và tài liệu hoàn toàn miễn phí. Các khóa học của nó bao gồm: Các bài học lập trình tương tác: Học viên có thể học và viết code trực tiếp trên trình duyệt. Mỗi bài học là một bài tập nhỏ yêu cầu bạn viết mã để hoàn thành một nhiệm vụ cụ thể. Lộ trình học rõ ràng và có hệ thống: Nền tảng cung cấp các chứng chỉ theo từng lộ trình học với những chủ đề chính như phát triển web, phân tích dữ liệu, và học máy. Học tập thông qua dự án thực tế: Sau khi hoàn thành các bài học cơ bản, học viên sẽ tiến tới thực hiện các dự án lớn, giúp họ phát triển các ứng dụng hoặc trang web thực tế. Ví dụ, để nhận chứng chỉ Phát triển Web Toàn diện (Full Stack Web Development), bạn cần hoàn thành 5 dự án lớn. #3. Chọn khóa học dựa theo chi phí Tùy theo chi phí chúng ta có thể chi trả cho việc học, bạn đều có thể lựa chọn những khóa học phù hợp với nhu cầu của mình. Ví dụ như với Udemy, Udemy vốn đã không còn xa lạ với người Kaopiz khi chúng mình đã có sẵn rất nhiều khóa học chỉ chờ mọi người đăng ký. Các khóa học đang sẵn tại đây: https://forms.office.com/r/UudHDdSCNE. Tuy nhiên nếu bạn muốn học bằng tài khoản cá nhân thì bạn cũng vẫn có thể tự mua các khóa học mình mong muốn với giá thành các khóa học cũng vô cùng phải chăng, nhưng Udemy thường xuyên có các đợt ưu đãi cho người dùng mới, hãy tận dụng hiệu quả và nhớ canh sale để được giá ưu đãi nhất nha ^^ Hay với Coursera, Coursera cung cấp nhiều khóa học với các mô hình trả phí khác nhau: Khóa học miễn phí: Nhiều khóa học trên Coursera có thể học miễn phí, nhưng bạn sẽ không nhận được chứng chỉ nếu không trả phí. Nội dung khóa học miễn phí thường bao gồm video bài giảng và một số tài liệu học tập, nhưng bạn có thể bị giới hạn về việc tham gia bài tập hoặc diễn đàn thảo luận. Phí nhận chứng chỉ: Để nhận chứng chỉ hoàn thành khóa học, học viên thường phải trả một khoản phí dao động từ $39 đến $79 cho mỗi khóa học. Các chương trình chứng chỉ chuyên nghiệp hoặc các khóa học dài hơn có thể có chi phí cao hơn. Chứng chỉ của Coursera được đánh giá cao trong ngành công nghiệp và giáo dục vì chúng được cấp bởi các trường đại học danh tiếng và các công ty lớn. Coursera Plus: Đây là gói dịch vụ hàng năm, cho phép học viên truy cập không giới hạn vào hơn 7.000 khóa học, chứng chỉ chuyên nghiệp và các chương trình chuyên sâu với một mức phí cố định khoảng $399/năm. Chương trình cấp bằng trực tuyến: Coursera cung cấp các chương trình cấp bằng cử nhân và thạc sĩ trực tuyến từ các trường đại học danh tiếng. Các chương trình này có chi phí tương đối cao, tương đương với học phí tại các trường đại học truyền thống. Hoặc tại Udacity: Udacity có 2 loại danh mục khóa học: Nanodegree Programs & Free Courses Nanodegree Program: Chi trả phí theo thời lượng khóa học (~250$/tháng, thời lượng 1 khóa học 3-6-12 tháng, yêu cầu thời lượng học tối thiểu hàng tuần, học theo tiến độ tự quyết), khóa học có giảng viên hướng dẫn, có cấu trúc đánh giá, phản hồi từ giảng viên. Free Courses: là các khóa học miễn phí, không có đánh giá phản hồi từ giảng viên, không có chứng chỉ hoàn thành khóa học, cũng không có bảng theo dõi tiến học tập. Bạn hoàn toàn có thể tìm kiếm các thông tin tương tự từ platform học mà mình quan tâm nhé! Trên đây là một số tiêu chí chúng mình gợi ý khi bạn tìm kiếm các nền tảng và khóa học phù hợp. Ngoài những platform đã được đề cập trong bài, còn rất nhiều các nền tảng nổi tiếng khác đang được sử dụng tại Việt Nam và trên toàn thế giới hàng ngày, và chúng mình tin rằng bạn sẽ tìm ra lựa chọn phù hợp nhất với bản thân. Vì với công nghệ trên tay, việc học đang ngày càng trở nên dễ dàng và không quá đắt đỏ, miễn là chúng mình muốn học, phải không bạn? Và dù cho bạn có chọn cách thức nào, chúng mình chúc bạn sẽ sớm hoàn thành được mục tiêu "phát triển bản thân" mà các bạn mong muốn. Nếu được, hãy để lại comment và review về nền tảng MOOCs mà bạn đã trải nghiệm để cùng lan tỏa tới anh chị em tại Kaopiz nhé! Xin cảm ơn bạn!