Máu là loại thuốc điều trị đặc biệt quý giá, chỉ có thể được hiến tặng từ những người khỏe mạnh, xuất phát từ tình cảm và trách nhiệm của mỗi người đối với cộng đồng. Và chỉ còn hơn một ngày nữa là đợt hiến máu tình nguyện đầu tiên của chương trình “Giọt hồng Kaopiz” sẽ diễn ra. Những lưu ý dưới đây sẽ giúp bạn giữ sức khoẻ và yên tâm hơn trong mỗi lần hiến máu.
1. Điều kiện để được hiến máu
- Người tham gia hiến máu phải thực sự khoẻ mạnh, không mắc các bệnh cấp tính, mãn tính. Không có nguy cơ lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường truyền máu.
- Phải đủ tuổi: từ 18 đến 60
- Cân nặng: từ 45 kg (với nam) và 42kg (với nữ) trở lên
- Mạch và huyết áp bình thường, nhịp tim bình thường
Lưu ý:
- Phụ nữ đang mang thai, đang trong thời kỳ kinh nguyệt, đang cho con bú thì không được hiến máu.
- Người khoẻ mạnh mỗi lần hiến không quá 9ml/kg cân nặng sẽ không ảnh hưởng tới sức khoẻ. Khoảng thời gian tối thiểu giữa 2 lần liên tiếp hiến máu toàn phần là 12 tuần.
2. Trước khi hiến máu
Buổi tối trước ngày đi hiến máu cần chú ý: Không ăn nhậu quá khuya, không uống rượu bia và các chất kích thích; Không nên ăn các món ăn nhiều đường, nhiều dầu mỡ và ngủ đủ giấc 7- 8 tiếng/đêm.
Buổi sáng ngày đi hiến máu: Bạn nên ăn nhẹ trước khi đi, hạn chế thức ăn béo ngọt; chuẩn bị căn cước công dân và giấy tờ tùy thân khác. Đặc biệt cần chuẩn bị tâm lý thực sự thoải mái.
3. Ngay sau khi hiến máu
- Duỗi thẳng, hơi nâng cao cánh tay trong 15 phút
- Hạn chế gập tay tron nghỉ sau hiến máu.
- Nghỉ tại điểm hiến máu tối thiểu 15 phút và chỉ rời điểm hiến máu khi thực sự thoải mái và được sự đồng ý của nhân viên y tế
- Uống nhiều nước
- Để miếng băng dán sau ít nhất 4-6 giờ mới lấy đi.
- Nếu xuất hiện chảy máu từ vết băng cầm máu: nâng cánh tay lên và ấn nhẹ vào vết bông, gồi xuống ghế và thông báo cho nhân viên y tế để được hỗ trợ
4. Trong vòng 48 tiếng sau hiến máu
- Tránh thức khuya, dùng các chất kích thích như rượu, bia.
- Không hút thuốc lá trong vòng 4 tiếng.
- Tránh nâng vật nặng bằng tay vừa hiến máu.
- Tránh các hoạt động đòi hỏi nhiều thể lực như: thi đấu thể thao, đá bóng, tập thể hình, leo trèo cao… đề phòng bị bầm tím tay và chóng mặt.
5. Sau khi rời điểm hiến máu
Bạn cần ăn uống và nghỉ ngơi để cơ thể hồi phục dần, không nên tham gia các môn thể thao đòi hỏi thể lực mạnh, các hoạt động vận động nhiều mất sức như: đá bóng, chạy bộ, leo núi; ăn uống đầy đủ và tăng cường bổ sung các thực phẩm tốt cho máu như: thịt bò, gan, trứng, sữa, quả bơ, măng cụt, cà rốt, cà chua,… Nếu cần thiết có thể sử dụng các sản phẩm chứa Sắt và acid folic, vitamin B12 rất tốt cho quá trình tạo máu. Nếu ăn uống và sinh hoạt nghỉ ngơi hợp lý, bạn có thể hiến máu lại sau 3-4 tháng.
—————————————————————————
Thông tin về chương trình Giọt hồng Kaopiz 2024
Thời gian: Thứ Bảy ngày 08/06 và 29/06/2024
Địa điểm: Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương – số 5 Phạm Văn Bạch – Yên Hoà – Cầu Giấy – Hà Nội.